Chào mừng bạn đến với HS TƯ NGHĨA 79-82! Các bạn thân mến! Việc tạo ra một trang WebBlog có khó, nhưng việc duy trì và phát triển “nó” càng khó hơn nhiều lần. Để trang WebBlog của chúng ta tồn tại và phát triển, mỗi chúng ta cố gắng thường xuyên vào thăm “nó” hàng ngày. Chúng ta góp sức mình bằng bài viết, bài nhận xét … có thể ban đầu bài viết ấy không hay, bạn không hài lòng … Bạn viết càng nhiều thì sẽ quen dần và sẽ viết ngày càng hay hơn, ít lỗi hơn … Hãy sưu tập các hình ảnh thời HS, các dấu tích thời HS, các chuyện buồn vui thuở “ấy” … gởi cho BBT, mình hy vọng rằng “cầu nối” này sẽ giúp mọi người xích lại gần hơn.

Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2011

Khóc một dòng sông

Trừ 3 tháng mùa mưa, sông Trà đoạn chảy qua thành phố Quảng Ngãi biến thành sa mạc suốt thời gian còn lại trong năm. Buổi chiều đứng trên cầu Trà Khúc nhìn xuống sẽ thấy từng đoàn xe xúc, xe tải chở cát chạy giữa sông như một công trường. Những đứa trẻ thành phố vô tư thả diều, đá bóng và chơi trò trẻ con giữa dòng sông giãy chết.

Làm rẫy giữa sông
Chúng tôi đi bộ sang sông Trà Khúc ở đoạn gần khu dầu khí. Bãi cát mênh mông mọc đầy bói và mai dương. Xe khai thác khác chạy thành đường và những người dân làm rẫy phía Tịnh Hà tạo nên những lối mòn hoang vu chằng chịt. Những chú mỏ nhác lâu lâu nghe động rật bay lên. Lũ chuột cắm đầu cắm cổ chạy trối chết qua bãi cát mênh mông tìm nơi ẩn nấp. Dòng sông hẹp chỉ bằng con lạch cạn, nước không buồn chảy. Một cồn bói rộng mênh mông kéo từ cầu Trà Khúc đến cầu Trường Xuân trở thành nương rẫy của người dân Sơn Tịnh. Năm 1999, sau trận lũ lịch sử cồn bói này hình thành. Ba hộ dân ở đường Hai Bà Trưng ra đây vỡ đất làm rẫy đậu xanh, đậu phụng và dưa hấu. Bây giờ có thêm gần 30 hộ dân phía Sơn Tịnh thiếu đất canh tác cũng qua khai hoang.
Ông Nguyễn Tân, một trong những chủ hộ đầu tiên mở đất nói ban đầu họ trồng bói xuống mép bãi cát đề tích tụ phù sa. Chỉ sau vài năm, cồn đất bồi thêm rất nhiều. Chim mỏ nhác, sơn ca, cu đất và chuột đồng sinh sôi vô kể. Chuột đồng to bằng con cheo phá hoại hoa màu kinh khủng. Những người làm rẫy diệt chuột bằng cách đem mèo ra thả rông nhưng chuột không thuyên giảm. Những chiếc lều canh rẫy dựng tạm đến tháng 8 (ÂL) đem chôn dưới cát đến tháng 11 đào lên. “Không có lều không cách chi ở được. Nhất là tháng chạp, trên cồn cát bay mù mịt không chịu thấu!” – ông Tân nói. Ông Tân, quê ở Tịnh Khê, lên thành phố làm nghề thồ mía. Nhờ phát hiện ra mảnh rẫy ở giữa sông Trà, cuộc sống của gia đình ông giờ đây ổn định hơn. Mỗi năm một vụ đậu phụng, một vụ đậu xanh đủ nuôi sống con cái. Buổi chiều ở giữa sông, gió đông vời vợi, những chòi rẫy bắt đầu len lỏi khói bếp. Không thấy mặt người sau những rặng bói bờ rào nhưng tiếng cười nói lao xao. Người xưa nói, thương hải tang điền chính là đây, ngay ở dòng sông Trà Khúc này. Ông Tân hẹn chúng tôi một đêm nào đó, có dịp ghé ra chòi rẫy ông ở lại săn chuột đồng về uống rượu. Như thể tự hào về “vùng đất mới” ông tranh thủ quảng cáo thêm: “Chuột đồng ở đây ngon số một. Con chuột to bằng bắp chân, lông vàng ươm, thịt nướng lên cũng vàng ươm thơm phức!”.

Còn đâu cá bống
Chưa có cơ hội ăn được thịt chuột đồng ở giữa sông Trà, chúng tôi đi tìm một thứ đặc sản lâu đời khác làm nên phong vị dòng sông. Xóm Ghe nằm ngay mé dưới cầu Trà Khúc, ẩn mình giữa những rặng tre. Hơn 50 hộ dân sống ở xóm nhỏ này đã có thâm niên ít nhất ba đời làm nghề bắt cá bống sông Trà. Buổi sáng mùa hè, cá bống bơi theo những lạch nước cạn đẻ từ 9 giờ sáng đến 11 giờ trưa. Nắm được quy luật của những cặp vợ chồng bống, người dân xóm Ghe bên sông Trà sáng chế ra một loại bẫy để bắt cá hết sức độc đáo. Ống trúm được làm bằng một đốt cây tre, hai đầu trống trơn gắn ngang trên một cọc nhọn cắm dưới lòng sông cách đáy chừng 30 cm. Những cặp vợ chồng bống trước khi sinh nở tìm nơi tình tự gặp những ống trúm liền chui vào ẩn náu. Nửa buổi sáng, ngư dân chèo ghe ra sông, nhẹ nhàng lặn xuống dùng hai tay bịt hai đầu ống để bắt nguyên một cặp cá nhỏ xíu. Ông Chín Bãi, người có thâm niên ba đời bắt cá bống sông Trà than thở: “Ngày xưa, mỗi buổi sáng bịt ống 300 – 400 cái bắt được cả 5 – 6 ký cá. Bây giờ thì hết rồi! Nhất là cái hồi nhà máy cồn xả nước thải, nhà máy đường để tràn dầu… Trên mặt nước vịt chết, dưới đáy sông hến, don, cá, tôm cũng tiêu đời! Cá bống sông Trà nhỏ, dai, ngọt và thơm, đầu rất nhỏ. Nhất là con cá bống dồ và cá thài bai nay đã trở thành loại hiếm”. Hiện nay, một ký cá bống sông Trà người dân xóm câu bán từ 200 đến 300 ngàn đồng. Cả xóm Ghe, một buổi sáng làm được 1, 2 ký là cùng. Thương lái từ bên thành phố đặt sẵn chạy sang tận nơi thu hàng. Cá bống sông Trà kho rim làm quà tặng nhan nhản khắp nơi, ông Chín Bãi cười nói đó là bống hồ tôm ở Quảng Nam chuyển vào, cái đầu to tổ bố. Y lời hẹn, buổi sáng tinh mơ chúng tôi qua xóm Ghe lên thuyền ông Chín Bãi đi bịt trúm. Lãnh địa cá bống của ông nằm mé Nam sông từ cầu Trà Khúc mới tới cầu cũ được đánh dấu bằng những dải nilon trắng phất phơ. Từ trên cầu ngó xuống trông như cờ lau trận ngày xưa. Lão ngư dày dạn kiên trì lặn xuống trồi lên bịt trên 450 ống trúm cho tới khi mặt trời đứng bóng chói chang. Thành quả một ngày nằm ở dưới đáy giỏ tổng cộng 14 cặp cá bống nhỉnh hơn đầu que tăm. Chiếc giỏ tre nhẹ tênh đeo bên hông theo lão ngư đi thất thểu vào xóm băng qua bãi cát nóng. Cứ cách một quãng ông dừng lại quăng tấm bìa các tông lên cát để đứng cho đỡ nóng chân rồi đi tiếp… 

----------------------
Đập dâng Trà Khúc có cứu vãn được dòng sông?
Ngày 25.9.2010, Quảng Ngãi đã khởi công xây dựng đập dân hạ lưu sông Trà Khúc với mức vốn đầu tư trên 225 tỷ đồng. Đập dài 1.184 mét được xây dựng phía hạ lưu có nhiệm vụ ngăn mặn, hạn chế ô nhiễm môi trường, phục vụ giao thông đường thủy và tạo cảnh quan phục vụ du lịch… do Sở NN-PTNT làm chủ đầu tư. Mục đích tiền khả thi của dự án này tạo cảnh quan môi trường nhằm “giải cứu” sông Trà đoạn chảy ngang qua thành phố Quảng Ngãi bị sa mạc hóa. Tuy nhiên, các nhà khoa học và dư luận phản đối vì một dự án như vậy khó đem lại hiệu quả kinh tế, gây lãng phí nên dự án được bổ sung các chức năng “thực tế” hơn về mặt kinh tế khi thực hiện. Dự án được chia làm 2 giai đoạn, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2012 tuy nhiên hiện nay tiến độ của dự án rất chậm.

1 nhận xét: