Khi em ngồi viết những dòng chữ này, ngoài kia các cháu học sinh bé nhỏ đang đi tặng hoa cho thầy cô giáo. Đường phố cũng đầy hoa như những ngày lễ hội lớn. Ngày nhà giáo Việt nam đã về. Ôi thắm thoát mà đã ba mươi năm xa thầy! Lũ trẻ tinh nghịch ngày xưa của thầy đâu biết rằng: đó là lần thầy trò ta chia tay vĩnh viễn?
Em còn nhớ như in một buổi chiều tháng năm ba mươi năm trước, trong khi lũ trẻ bịn rịn trước giờ xa bạn, xa trường thì khuôn mặt thầy lại rạng rỡ, tươi vui hơn mọi ngày. Thầy vui chắc vì thấy những “quả ngọt” trong cuộc đời “trồng người” của mình. Thầy vui chắc vì thấy chúng em phần nào chững chạc, lớn khôn. Thầy vui như niềm vui của người lái đò đưa khách sang sông. Nụ cười tiễn biệt như một niềm khích lệ lớn lao cho những ai đi qua dòng sông tri thức, như một chút an ủi nhỏ nhoi cho người đưa đò thầm lặng.
Nhưng thầy ơi! Đâu biết rằng, niềm vui đó là điềm báo thiêng liêng, là tiếng nói của định mệnh trớ trêu! Không lâu sau đó thầy đã ra đi sau một cơn bạo bệnh.
Biết nói gì hơn? Nghĩa thầy trò “ấm áp như tình cha, bao la như tình mẹ”.
Ngày xưa, trong giờ học thầy khá nghiêm khắc nhưng trong sinh hoạt ngoại khoá thầy lại là người rất cảm thông, chia sẻ. Cái thời “nhặt tí phân rơi,dọn từng ngọn lá” đã vùi dập thầy trò ta tơi bời dưới vũng lầy nghèo khổ. Làm sao em quên kỷ niệm về những đêm trực trường cùng thầy nướng khoai lang ăn đỡ đói? Làm sao em quên những ngày tháng cùng thầy đi lao động bắt buộc vất vả cơm đùm cơm nắm bụng không đủ no? Làm sao em quên những ngày nhà giáo năm xưa không có cả hoa để tặng thầy mà thầy vẫn vui? Làm sao em quên những ngày mùa đông lạnh giá, thầy khuyên nên mặc áo len cho đỡ rét chúng em chỉ biết cười, rồi thầy cũng chẳng trách, chắc thầy cũng thuộc câu hát: “quê tôi nghèo lắm ai ơi, mùa đông thiếu áo mùa hè thiếu ăn”?
Thầy đã ra đi, mái trường xưa giờ đẹp đẽ khang trang hơn, con đường xưa giờ to rộng phẳng phiu hơn, nhưng trong ký ức học trò của thầy, cảnh cũ người xưa vẫn còn đó. Người ra đi dẫu có an lòng thì kẻ ở lại trong nỗi tiếc thương vẫn như thấy có bìm leo, giậu đổ.
Thầy đã ra đi, như hạt bụi lẻ loi, còn “hạt bụi nào rơi trên bục giảng”, còn “hạt bụi nào vương trên tóc thầy” ?
Thầy đã ra đi, theo gió theo mây, xin được làm cánh chim tung cánh cao bay. Chim hót véo von ấm lòng người về nơi chín suối.
Thầy đã ra đi, xin được đốt nén nhang lòng dâng lên hồn thiêng của Người, thay cho lời tri ân của hết thảy học trò ba mươi năm về trước.
Thầy đã ra đi, cánh hoa mừng ngày nhà giáo năm nay xin được dâng về miền đất lạnh.
Thầy đã ra đi, về với trời đất, nơi cát bụi nhạt nhoà, hư ảo; nơi dấn thân số kiếp con người. Xin cầu nguyện cho linh hồn thầy được thanh thản ở cõi thiên đàng, ở miền cực lạc.
(Phạm Đăng Quỳnh)
Tôn sư trọng đạo,biết ơn thầy cô...Đó là nhân cách lớn của một con người.Tôi rất ấn tượng và xúc động với bài viết của bạn.
Trả lờiXóaqua cam dong... lai la mot ngay gia tri cua con nguoi tri thuc VN ta. hay ton trong va xem nhu co vat vo gia nhe...
Trả lờiXóaChân thành cảm ơn Bá Hiệp đã post hình và nhạc phù hợp cho bài viết của mình.Bạn xứng đáng là admin đầy trách nhiệm của diễn đàn này.
Trả lờiXóaCám ơn Quỳnh. Chỉ là việc mình phải làm thôi mà.
Trả lờiXóacảm ơn bạn Quỳnh. bài viết của bạn rất xúc động! mong bạn có nhiều bài như thế nữa.
Trả lờiXóa