Tôi có người bạn già dân gốc Hải Phòng, đi bộ đội thời sinh viên vào chiến đấu ở Quảng Ngãi từ năm 1972, hiện anh ấy đang sống tại Sài Gòn và công tác tại Bộ NN&PTNT. Cách đây khoảng 10 năm, lúc mới gặp và làm quen, nghe nói tôi là người Quảng Ngãi, anh hỏi: có biết núi Thình Thình và dốc Xà Lui không? Tôi chịu, và từ đó đến nay tôi hỏi rất nhiều người đồng hương cũng chịu thua như tôi. Hôm nay xin mượn bài viết này của blog Hổ Phụ Tử để giới thiệu với các bạn một trong hai địa danh nói trên, còn địa danh còn lại các bạn hãy tìm hiểu thử nhé nằm ở đâu nhé!
Bầy chim te te nghe có hơi người, bay loạn xạ kêu ầm ĩ. Buổi chiều trong khuôn viên chùa Thình Thình dậy lên mùi lá khô thơm ngát. Bây giờ là mùa hạ, một đám mây đen ẩm ướt ở gần, báo hiệu một cơn mưa đêm. Hòa thượng Vĩnh Trường chống gậy trúc ra trước sân chùa điểm mấy hồi chuông. Bầy te te vẫn không thôi táo tác.
Chùa một sư
Hòa thượng Vĩnh Trường năm nay tròn 100 tuổi. Tấm lưng ngài còng rạp trên cây gậy nhưng đôi mắt hiền minh. Nhìn quanh quất cảnh chùa cô tịch giữa rừng rồi ngó vào đôi mắt ấy, khó có thể nói ông là bậc “tiểu ẩn ư sơn lâm”. Ông dẫn khách ra vườn chùa, dùng gậy thử mít trên cây. Cặp mắt sáng quắc cứ nheo nheo cười cười: “Tôi nhờ ăn mít trong vườn mà sống tới trăm tuổi đấy! Tôi mong tới một trăm năm mươi. Hồi đó chắc thiên hạ tò mò kéo tới đây trầm trồ: Ồ! Cái ông sư này làm sao trường thọ như thế? Khi đó tôi mới bộc lộ bí quyết! À, mà hôm nay anh gặp lộc nhà Phật, có trái mít chín đây”. Đầu gậy trúc gõ vào trái mít bình bịch, đôi mắt nhà sư vẫn cười cười.
Không phải những khe núi bí ẩn ở Tây Tạng mà các vị Lạt ma vào đó rồi không trở ra, Thình Thình nằm ngay trên đỉnh núi. Khoảng đất bằng phẳng ở độ cao gần 200 so với mực nước biển trồng toàn chè và mít. Vườn chùa sạch bong, tĩnh lặng tới mức có thể đếm được từng tiếng lá rơi quạnh quẽ. Vừa bổ mít, nhà sư vừa nói: “Đêm nào canh ba tôi cũng dậy đọc kinh, rạng sáng ra vườn quét lá, múc nước tưới cây! Gần mười lăm năm nay rồi…”. Tôi nhìn quả chuông khắc bốn chữ xuân – hạ - thu – đông mùa nào gõ vào chữ đó, màu đồng cổ ánh vàng đều đặn để mường tượng công phu “nhất tâm bất loạn” đạt đến cảnh giới mức nào và thấy mình thật hồ đồ.
Hòa thượng Vĩnh Trường quí Thị Phước, tự Hạnh Diên, vào chùa năm 16 tuổi, lên Thình Thình năm 1990. Ông là trụ trì đời thứ 3 ở ngôi chùa được thiền sư Diệu Quang khai sơn sáng lập vào năm 1920. Chùa có tên chữ là Viên Giác Tự hoặc Thanh Thanh Sơn. Người dân trong vùng vẫn quen gọi là chùa Thình Thình theo tên ngọn núi. Từ đó đến nay, hòa thượng Vĩnh Trường là nhà sư duy nhất ở ngôi chùa này. Tôi chợt bất giác kinh hãi khi nghĩ đến quãng đường mười mấy năm, lão hòa thượng chỉ nói chuyện với cây cỏ và muông thú, thời gian còn lại hoàn toàn tịnh khẩu và hiếm tiếp xúc với người ngoài. Công phu như vậy ngang với việc nhập thất, chỉ thực hiện được khi đạt đến mức thượng thừa.
Tiếng trống giữa trời
Từ chân núi Thình Thình, khách hành hương phải vượt chặng đường 4 cây số trèo lên đỉnh, khu vực tọa lạc của ngôi chùa độc đáo này. Hai bên đường đầy những chùm quả chòi mòi màu tím. Nắng dịu đi dưới cánh những con chèo bẻo đuôi cờ cụp lượn. Vài người đốn củi bắt đầu xuống núi. Chiều hè yên ả thành bình trên lối sỏi độc hành xa ngái. Trên một khúc quanh trống trải, ngó xuống bãi biển Ba Làng An xanh ngắt. Ngút tầm mắt phía tây là dãy Cà Ty. Xóm làng nằm ở dưới chân, chen giữa những cánh đồng xanh và ô ruộng bàn cờ vuông vứt… Thế gian nhỏ bé nằm trong tầm mắt xa xăm. Nhìn thật kỹ, đôi khi bắt gặp những chiếc xe tải nhỏ như con kiến bò trên đường làng đầy bụi hồng bên dưới.
Khéo khen vị thiền sư đầu tiên khai sơn chùa Thình Thình. Một khoảng đất bằng phẳng chừng nửa héc-ta ngay giữa đỉnh núi chìm khuất trong rừng cây. Người dân trong vùng tin rằng thiền sư Diệu Quang là bậc thầy phong thủy, từng học được phép quy thủy của người Chăm khi cho đào một giếng nước đá ong trong khuôn viên cùng lúc với việc xây dựng chùa. Cội mai già 91 tuổi cùng cây bồ đề và quả chuông cổ khắc bốn chữ xuân – hạ - thu – đông là những dấu ấn hiện nay còn sót lại của vị thiền sư đã qua nhiều thăng trầm nơi cửa Phật. Sống giữa kiếp đời, trải qua những năm này tháng nọ, Thình Thình đôi khi vẫn là một nơi cần đến trong đời để chiêm nghiệm một mình trong cô độc.
Núi Thình Thình còn gọi là Cổ Sơn. Cổ tức cái trống. Như thể chứng minh tên gọi bí ẩn này, hòa thượng Vĩnh Trường dẫn tôi ra phía trước sân chùa cạnh gốc bồ đề già. Ông đưa gậy lên nhẹ nhàng vận khí lực, nện đầu gậy xuống mặt đất. Lập tức không gian vang lên từng tiếng “thình thình” theo nhịp bước. Càng về phía giếng cổ, tiếng trống càng to hơn. Mùa thu tiếng trống vang hơn mùa đông. Hòa thượng kể, buổi chiều ông thường chống gậy trúc đi dạo trên mặt trống trời. Khi cây gậy hiệp với mặt đất tạo ra âm thanh vang lên trong một sát na rồi biến mất, tâm hồn cảm thấy thật vi diệu. Nói xong, lão hòa thượng dúi cây gậy trúc vào tay tôi trước khi thung dung quay gót: “Phật tử cứ thử xem trong tâm mình có nghe gì không?”.
Trong tập thơ"Duyên quê"của nhà thơ Nguyễn-thi-Phương hội viên VHNT Quảng-ngãi có bài Khúc hát rừng xanh nói về dốc Xà-lui.
Trả lờiXóaNhớ ngày qua dốc Xà-lui.
Thương thương em nặng chiếc gùi lại qua.
Gio1 lưng đèo,gió Sơn-Hà.
Phải chăng gió cuốn Sơn-Trà tình non.
Hôm nào rủ nhau về QN đi gõ trống nhé! Hì... hì!
Trả lờiXóaTrong tập thơ"Duyên quê"của nhà thơ Nguyễn-thy-Phương hội viên VHNT Quảng-ngãi có bài"Khúc hát rừng xanh" nói về dốc Xà-lui.
Trả lờiXóaNhớ ngày qua dốc Xà-lui.
Thương thương em nặng chiếc gùi lại qua.
Gió lưng đèo,gió Sơn-Hà.
Phải chăng gió cuốn Sơn-Trà tình non.
....
Hỏi thăm bạn Lê-Dũng có thể bạn ấy biết.
KS ỏ QNg mà chỉ biết :Núi Ấn,Sông Trà,La Hà thach trận Cổ Lũy cô thôn .Chứ chưa nghe Núi Thình Lình, Dốc Xà-Lui bao giờ . Ở Đâu vay các bạn ?
Trả lờiXóatheo mình nhớ núi thình thình ở xã Bình Thanh huyện Bình Sơn, chùa thình thình ra đời cùng lúc với chùa Thiên Ấn đấy, đặc biệt trên đỉnh núi có một dãi đất người ta dùng chân hoặc cây dậm lên tiếng vang nghe thình thình như tiếng trống vậy.Mình chỉ nhớ được bấy nhiêu các bạn tìm hiểu thêm nhé!
Trả lờiXóaCám ơn Khơi!
Xóa