Những biển hiệu tù mù lên đèn vào chập tối chỉ ghi vỏn vẹn một chữ “don”. Người viễn xứ lần đầu tới Quảng Ngãi hay thắc mắc don là gì? Đó là “mật hiệu Quảng Ngãi” về món ăn mang đậm phong vị từ loài động vật thuộc lớp hai mảnh vỏ đặc trưng dưới đáy sông Trà.
Làng đi thụt lùi
Chúng tôi xuôi sông Trà về làng Vĩnh Thọ, thủ phủ của nghề cào don. Vĩnh Thọ thuộc xã Nghĩa Phú, cách phố cổ Thu Xà 7km, nằm dưới dãy núi Phú Thọ có danh thắng Cổ Lũy Cô Thôn. Khoảng 8h những người cào don trong làng lục tục vác dầm ra bến. Những chiếc ghe nhỏ lần lượt xuôi dòng. Buổi sáng ở cửa sông rộng mênh mông, trời xanh vời vợi. Ghe cào don nhỏ, chỉ một người ngồi be đã khẳm nước đi thành đoàn. Cả đoàn nón lá hối hả nối nhau sang mé sông ở Sơn Tịnh. “Mỏ don ở đây có quanh năm, nước lụt về thì nó ít hơn một chút thôi. Don là do nó tự hóa ra chứ không sinh sản. Có năm nó hóa đầy, có năm nó ít đi” – anh Phạm Văn Xin nói như vậy. Hóa, tiếng địa phương có nghĩa là tự nhiên từ nước, từ cát nó sinh sôi nảy nở ra chứ không phải do loài này sinh sản. Ghe vừa tới nơi, anh Xin lấy một điếu thuốc ra hút xong neo ghe, nhảy ùm xuống sông bỏ cào ra. Cái nghề nặng nhọc này chỉ có đàn ông mới kham nổi. Quàng cái đai cào lên cổ anh bắt đầu đi thụt lùi một đường chừng bốn sào ghe thì dừng lại trút cào. Nắng bắt đầu lên cao, những người khác trong làng cũng đã đến tập trung thành một bãi san sát nón lá trên sông. Thời cao điểm, mỏ don có hơn hai trăm người làm nghề hàng ngày. Chỉ riêng làng Vĩnh Thọ đã có tới gần một trăm gia đình chuyên nghề cào don.
Don từ Vĩnh Thọ đi lên thành phố Quảng Ngãi, vào Nha Trang, Sài Gòn… nuôi sống gia đình, nuôi con ăn học. Bảy Khiêm, người cào don vui tính nhất làng Vĩnh Thọ phân bua: “Cái nghề sông nước cha ông mình để lại thì mình làm rứa thôi chớ khổ lắm. Không thấy cả xã hội đều tiến lên, chỉ có mỗi làng Vĩnh Thọ của tôi là đi thụt lùi quanh năm đó sao! Tối về tôi ngủ còn chiêm bao thấy mình đi thụt lùi, hoảng hồn luôn. Tôi trông con cái của tôi sau này kiếm được cái nghề chi mà đi tới cho đỡ khổ!”. Một ngày “thụt lùi”, trung bình kiếm được từ 100 đến 150 ngàn đồng. Dịp tết, giá don cao hơn, một cậu (đơn vị tính bằng cái rổ nhỏ) khoảng 40 ngàn đồng. Người cào don phải đi thụt lùi vì don sống ở dưới cát từ 20 đến 40 cm chỉ có cào lui mới đủ sức lọc cát để bắt don. Có dịp, trên đường thiên lý Bắc Nam ngang qua cầu Trà Khúc, nhìn xuống dòng sông cạn ngày nào cũng thấy cả rừng nón trắng nhấp nhô lầm lũi. Chỉ cần thấy chiếc nón đi tới sẽ biết ngay đó là người xúc hến, những chiếc nón thụt lùi đích thị dân cào don. Buổi trưa, những người cào don dầm mình dưới nước cắn cơm nguội trên thuyền. Cuộc sống dưới đáy sông của người cào don quanh năm lặng lẽ như chiếc bóng của sông Trà.
Cặp ui còn lại
Làng nghề cào don bên sông Trà có câu tục ngữ:
“Nghèo nghèo nợ nợ cũng lấy con vợ bán don.
Mai sau có chết cũng còn cặp ui”.
Ngày nay, không mấy người bán don ở Quảng Ngãi còn giữ được cặp ui. Khi chúng tôi theo thuyền trở lại bến don làng Vĩnh Thọ, đã thấy một nhóm người đi xe hơi xuống chờ ở đây. Quán don bà Cửu nằm cách bến vài chục bước chân chỉ là một quán nghèo heo hút. Những bộ bàn ghế gỗ cũ kỹ chiếc đực chiếc cái ám đầy khói. Nhóm khách sang trọng ngồi bệt cả trên thềm, mở rượu Tây cụng ly rồi sì sụp húp. Đó là những người Quảng Ngãi rời quê vào làm ăn sinh sống ở Sài Gòn. Đôi khi, trong đời người ta chỉ nhớ tới những món ăn quê mùa, những kỷ niệm đơn giản mà phải cất công đi tìm. Bà Cửu nay đã 78 tuổi, có thâm niên 56 năm làm nghề bán don ở Vĩnh Thọ. “Hồi xưa tôi gánh cặp ui lội khắp của vùng Tư Nghĩa này. Ngõ nào tôi cũng biết”, nói xong bà vào bếp lấy cặp ui ra. Cặp ui đất dày cả hai phân, bằng cái hũ sành nhỏ nhưng nặng trình trịch. Bà cười phô cả hai cái lợi không còn chiếc răng: “Tôi là con vợ bán don đây! Còn đây là cặp ui…”. Hơn nửa thế kỷ, ngày nào bà Cửu cũng dậy từ sớm đãi don để nấu. Đầu giờ chiều, don đổ vào một đầu ui, đầu kia ủ nước don lồng vào quang gánh. Bây giờ đã già, đôi vai và bàn chân không kham nổi gánh nặng đường xa bà mới mở quán tại nhà, giữ lại cặp ui làm kỷ niệm. Chín người con của bà Cửu lớn lên nhờ cặp ui tần tảo bây giờ nên gia nên thất đàng hoàng. Ông Cao Hồng Cẩm, con trai đầu của bà là đại lý thu mua don lớn nhất Quảng Ngãi tự hào: “Don ở Vĩnh Thọ màu vàng ươm, nước don vàng trong như hổ phách là thứ don ngon nhất sông Trà. Những nồi nước don lờ đờ đích thị là don chùm chụp sống dưới cát pha bùn hoặc người ta trộn hến vào!”. Hai năm trước đây, nhà máy cồn Quảng Ngãi xả nước thải ra sông gây nên thảm họa kinh hoàng cho làng nghề don. Phải mất hai năm sau mỏ don mới “hóa” lại nhưng ít hẳn đi. Trong cái quán nghèo liêu xiêu nắng quái, bà Cửu cười buồn: “Tôi không biết mai này có còn don không? Ngày tết mà thiếu món này người làng ở đây buồn lắm!”. Đôi bàn tay già nua nhăn nheo của người hơn nửa thế kỷ bán don bẻ bánh tráng bỏ vào tô như một nghệ sĩ. Tô don rất ngon! – bà nói. Mấy đứa thanh niên tối uống rượu say bước không nổi chạy vô quán húp một tô don là đứng lên đi về tỉnh bơ… Buổi tối ở làng Vĩnh Thọ thật buồn. Những người cào don một ngày dầm mình trong nước lặng lẽ ngồi uống rượu và nhìn vào bóng đêm.
(Nguồn: Hổ Phụ Tử)
Quỳnh nhắc làm mình thèm don "dã man" luôn. Tết về không có don ăn, tiếc thật! Cám ơn Quỳnh!
Trả lờiXóaChao cac ban,
XóaDay la Truong. That la xuc dong khi gap lai nhung nguoi ban xua, nghe nhung loi tam tinh ma lau lam roi tuong nhu quen lang. Cong viec ban ron qua', Truong khong con biet minh la ai. Nghe ten Hiep, ten Hien, ten Quynh... bao nhieu ky niem cu tro ve lam minh ua nuoc mat...
Quynh van la nguoi lam van gioi nhat lop 10A nam nao. Truong chi hoc chung voi Quynh mot nam thoi va nam 11 thi vao ban C. Cuoi nam do thi bi ky luat duoi hoc hihihi vi "thanh tich" voi dam Ngu Quy...
Cho Truong gui loi chao than yeu nhat den nhung nguoi ban cu. Rat nho cac ban, nho truong xua, nho ky niem ngay nao. Chi mong minh duoc tro lai truong xua...
Than,
TN