HS Tư Nghĩa 7982: Các bạn thân mến! Nhân dịp Phan Bá Trình tổ
chức ra mắt tập thơ “Vết xước”, chúng tôi xin giới thiệu với các bạn HSTN79-82
để chung vui cùng Trình. Rất mong các bạn gần xa chia sẻ, ủng hộ về mọi mặt với
Trình trong lần ra mắt tập thơ đầu này.
Tôi có
thói quen lang thang trên mạng tìm đọc thơ văn của nhiều tác giả, trong những
lần ấy bắt gặp weblog “Thiên Ấn – Trà Giang” của người quen cũ “Phan Bá Trình”.
Nếu tôi nhớ không lầm thì gặp và tiếp xúc trong công việc với Trình cách đây 20
năm, thời gian vừa đủ độ tuổi người thanh niên trưởng thành. Vài lần trao đổi,
tôi có thông tin về Trình, anh đã chuyển công tác và giảng dạy ở Trường Đại học
Phạm Văn Đồng, là thạc sĩ toán học, hội viên Hội VHNT Quảng Ngãi. Riêng Trình
làm thơ và có những niềm đam mê khác thì sau này chơi thân với nhau, tôi rõ
hơn!.
Quê
Phan Bá Trình ở La Hà, nơi đây: "La Hà thạch trận" là một trong mười
hai danh lam thắng cảnh của Quảng Ngãi được tuần phủ Nguyễn Cư Trinh đã tìm ra
vào khoảng giữa thế kỷ XVIII. Có lẽ, chính vùng đất hữu tình này đã hun đúc, ấp
ủ và nâng cánh cho hồn thơ của anh. Xuất thân từ một gia đình có truyền thống
làm công tác giảng dạy, anh cũng từ một giáo viên, cán bộ quản lý và sau này là
giảng viên. Thấm thoát cũng gần ba mươi năm công tác ở ngành giáo dục, ngoài
giờ dạy học anh còn là nhà sưu tập cổ vật - đá cảnh, viết thư pháp, chơi cây
kiểng… và sáng tác thơ. Những tác phẩm của anh được đăng tải trên một số báo,
tạp chí trong và ngoài tỉnh, một số tuyển tập thơ trong nước.
Một
buổi sáng cuối hạ, ngồi với vài người bạn thơ tại quán cà phê gần nơi ở của
anh, Phan Bá Trình trải lòng mình về bản thảo tập thơ “Vết xước”: “Nó là
kỉ niệm, cảm xúc bất chợt về quê hương, cảnh vật, tình yêu, cuộc sống… là những
đứa con tinh thần của mình!”. Thật may mắn cho Trình là bản thảo tập thơ được
chuyền tay nhau, và mỗi người bạn làm một việc. Người thì biên tập, người thì
viết lời bạt, lời cảm nhận, lời bình; còn nhạc sĩ chọn bài phổ nhạc, nghệ sĩ
diễn ngâm cùng tác giả chọn bài thể hiện. Chỉ trong vòng một tuần là Phan Bá
Trình có một CD thơ gồm 18 bài trình làng. Bạn bè đùa vui: “Ở Quảng Ngãi, Trình
chỉ đứng sau một người và đứng trước nhiều người!?”. Tính Phan Bá Trình là vậy!
Không làm thì thôi, đã làm thì làm đến nơi đến chốn, kể cả trong tập thơ anh
cũng cẩn trọng, chắt chiu đến từng câu chữ, từng phụ bản, hình ảnh minh họa...
sự hoàn thiện, chỉn chu là nét riêng của anh.
Đọc 80
bài thơ trong tập “Vết xước” của Phan Bá Trình, có lẽ mỗi người đều có cảm nhận
khác nhau, từ thơ truyền thống: Đường luật, lục bát đến thể thơ mới. Anh có
cách thể hiện pha trộn và sáng tạo, sử dụng câu chữ thuần Việt và ngôn ngữ đặc
trưng thổ âm xứ Quảng. Ta có thể bắt gặp nhiều từ anh dùng thật mới nhưng không
lạ đối với người dân Quảng Ngãi quê tôi như: “vấp, chạm, vắt, vun, vịn,
sũng, cõng, vẵng, lơ huơ…” làm câu thơ của anh gần với ngôn ngữ đời thường
nhưng cũng không kém phần sang trọng trong thi phẩm. Thơ Trình đi sâu vào nội
tâm của người từng trải nghiệm trong cuộc sống, đối với mỗi vấn đề đặt ra, anh
đều có cách lý giải của riêng mình. Bài thơ Nghiêng: “Em đổ bóng hao gầy/
Nghiêng góc trời thương nhớ…”, Đợi người: “Một lần vấp sợi tơ vương/
Lòng như ngọn gió đầu truông đợi người…”, Rụng: “Bóng trăng côi rụng đêm
qua/ Cạnh bên tôi cứ ngỡ là bóng em…”. Anh chắt lọc tinh khiết từng câu
thơ, thể hiện sự cách tân sáng tạo; sự tìm tòi, khám phá, soi rọi từng góc cạnh
của các tứ thơ: “hương sen, quỳnh hoa, cánh cò, bờ tre, hồ điệp…”. Khung
cảnh đất trời quê hương khiến thi sĩ nao lòng, chột dạ, bâng khuâng qua các bài
thơ: Miền Trung thương nhớ, Về Sơn Tây, Chiều qua Thình Thình, Đôi bờ Vệ Giang,
Trà Giang,… Một vài nhạc sĩ phổ thành công một số bài thơ của anh, họ đều có
chung nhận xét: “Trong thơ của Trình đã có nhạc cảm rồi!”. Anh viết về đấng
sinh thành, ơn thầy, nghĩa bạn, tuổi thơ, về người vợ là một giáo viên trung
học và các con yêu cũng thật thấm tình, yêu thương sâu sắc. Chút lắng đọng
trong mảng thơ tình, Phan Bá Trình viết cho người mình yêu hoặc một bóng hình
xa xăm ngày cũ, mơ hồ trong ngày mới đều rất tinh tế: “Bao tháng đợi năm
chờ/ bao hẹn hò thương nhớ…” (Người dưng), “Tình em giọt nắng cuối đông/
Lênh đênh sóng mắt giữa dòng thực hư…” (Giọt tình), “Ta về nhặt tiếng em
cười/ Rơi trong kí ức một thời hoa niên…” (Vấp lời hẹn cũ), “Em rưng
rưng chuyện cũ/ Ta mắt nhàu buồn xưa…” (Tình ơi!).
Cuộc đời
như dòng sông, nó cũng thay đổi theo tháng ngày, bên bồi bên lở, buồn vui đan
xen nhau nhưng cuộc sống đang ở phía trước, nó là thử thách để mỗi người chúng
ta tự vượt qua. Tôi tin rằng thơ Phan Bá Trình cũng vậy, sẽ vượt qua không gian
và thời gian, trong vùng đất có nhiều người sáng tác thơ này. Trong bài “Vết
xước” Trình chia sẻ: Ai đó “lỡ trượt bên đời nỗi nhớ” thì còn cầm trên tay “vết xước cuộc tình”, nếu
“vết xước lòng trai thành ngọc” hoặc “làm thân dó khóc” thì nỗi
đau ấy “tích tụ nên trầm”, cuối cùng là đích đến “thiên thai một cõi
bên trời”, âu cũng là quy luật của tạo hóa!.
“Vết xước” là một trong những bài thơ hay của
Phan Bá Trình, nó là đề tựa cho tập thơ “Vết xước” của anh.
Xin
trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Tháng 7/2012
HỒ
NGHĨA PHƯƠNG
Thư mời này xin được gởi đến tất cả các bạn HS Tư Nghĩa 79-82, mong các bạn thu xếp thời gian dự khán chung vui cùng bạn Phan Bá Trình trong ngày ra mắt 11-11-2012 |
Chúc mừng Phan Bá Trình, người đầu tiên của HS Tư Nghĩa 79-82 chính thức ra mắt thơ của Bá Trình. Mong rằng bạn sẽ thành công và tiếp tục thành công trong kỳ ra mắt "Vết xước" cùng tương lai phía trước. Hân hoan chúc mừng bạn cùng gia đình và thân hữu!
Trả lờiXóaThông báo!
Trả lờiXóaBạn Phan Bá Trình có gởi tặng tập thơ "Vết xước" cho các bạn: Trung, Hoa Lý, Bá, VT Lệ, Lập (liên hệ Đôn để nhận); và các bạn: Thành, Mười-Kỳ, Kim Sính, Diễm Diễm (liên hệ Hiệp để nhận).
Trân trọng!
Chúc mừng Phan Bá Trình!
Trả lờiXóakim sính chưa đọc VẾT XƯỚC nên chưa có nhận xét gì hết..
Xóanhưng mà hỏi Phan Bá Trình là VẾT XƯỚC có rớm máu không??