Chào mừng bạn đến với HS TƯ NGHĨA 79-82! Các bạn thân mến! Việc tạo ra một trang WebBlog có khó, nhưng việc duy trì và phát triển “nó” càng khó hơn nhiều lần. Để trang WebBlog của chúng ta tồn tại và phát triển, mỗi chúng ta cố gắng thường xuyên vào thăm “nó” hàng ngày. Chúng ta góp sức mình bằng bài viết, bài nhận xét … có thể ban đầu bài viết ấy không hay, bạn không hài lòng … Bạn viết càng nhiều thì sẽ quen dần và sẽ viết ngày càng hay hơn, ít lỗi hơn … Hãy sưu tập các hình ảnh thời HS, các dấu tích thời HS, các chuyện buồn vui thuở “ấy” … gởi cho BBT, mình hy vọng rằng “cầu nối” này sẽ giúp mọi người xích lại gần hơn.

Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012

BÁNH NỔ - CHÚT HƯƠNG VỊ QUÊ NHÀ


HSTN7982:      Người Quảng Ngãi có câu:
             “Mức gừng Đức Phổ
             Bánh Nổ Nghĩa Hành
              Đậu xanh Sơn Tịnh”
Xin giới thiệu món bánh xứ Quảng gắn liền với tuổi thơ những người con QNgãi.

Thời gian cứ lặng lẽ trôi qua, cuộc sống vẫn tiếp diễn và ngày càng hiện đại hơn song những gì đã được hình thành từ sự chắt chiu, hun đúc và sáng tạo của nhân dân thì sẽ trường tồn mãi mãi - cho dù chỉ là một câu ca, một điệu hò, một nét sinh hoạt tâm linh hay một loại hình ẩm thực …Chính vì lẽ đó mà trong dịp đón xuân Nhâm Thìn này, ta cũng không thể quên một loại bánh được xem như là đặc sản của quê hương Tư Nghĩa nói riêng và Quảng Ngãi nói chung, đó là Bánh Nổ.
Không biết bánh nổ có tự bao giờ nhưng trong ký ức tuổi thơ, nó đã từng là niềm khát khao và mơ ước không chỉ của riêng tôi. Bởi lẽ, ngày ấy, cuộc sống còn nhiều khó khăn lắm, thiếu thốn trăm bề, chỉ mong sao đến ngày đầu làng dựng lên cái lò rang nổ là biết tết đã đến cận kề, sự mừng vui khôn tả.
Tên của cái bánh nhiều khi nghe sao mà gọn lõn đến cộc cằn nhưng bên trong nó lại hàm chứa tất cả những gì tinh tuý nhất của hương đồng, gió nội; của một nắng, hai sương; của tình làng, nghĩa xóm như chính sự “thắm duyên” của ba thứ nếp - đường - gừng, để tạo nên những miếng bánh thơm, giòn đượm mùi dân dã và gắn bó gần như là máu thịt đối với người dân xứ Quảng.
Bởi vậy, nhiều khi đi xa, bất chợt nhớ về bánh nổ như “nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương” và khát khao muốn trở lại nơi chôn nhau, cắt rốn để được quay quần cùng với gia đình trong những ngày giáp tết…Và đây là nỗi niềm tâm sự của những người con xa xứ: 

“Còn nhớ ngày bé, khi mẹ làm bánh nổ Tết, tôi thường được giao mấy công việc long tong như nhặt vỏ trấu, giã gừng và lau rửa khuôn gỗ. Khoái nhất là ngồi chầu rìa bên chiếc nia. Lúc bỏ nổ vào khuôn để đóng thế nào cũng có nổ rơi. Cứ hễ hạt nổ nào rơi ra chiếc nia tròn là tôi chén ngay. Vị gừng thơm cay quyện với hương nếp còn nóng sộc lên mũi nghe cứ tê tê như ăn cao lương mỹ vị. Mà đúng là không có loại cao lương mỹ vị nào thay thế được. Bởi hương vị mộc mạc của bánh nổ gợi lên trong tâm thức tôi đôi vai gầy của mẹ, cánh đồng lúa bạc màu của cha, và những đêm thức trắng khi gió mùa đông bắc thổi rộ kỳ lúa trổ…
“…Nhưng vui nhất vẫn là hàng rang nếp nổ. Cứ cỡ đầu tháng Chạp, nhiều nhà gần chợ đã đắp lò rang nếp thuê. Lửa reo vui từ sáng sớm đến tối mịt. Thợ rang nếp nổ đợi lửa đỏ rồi đổ từng lon nếp một vào chiếc chảo gang. Dùng một cái bùi nhùi to có cán dài để đảo nếp. Rồi lấy chiếc nia tre đậy chảo lại. Tiếng nổ lục bục trong chảo rang mang lại một niềm vui khôn tả. Nó là niềm vui của sự no đủ, ước mơ duy nhất của người nông dân. Đêm đêm, tiếng đóng bánh nổ đanh như tiếng trống vang vang khắp làng. Nhiều năm rồi sao tôi còn nhớ như in khi mình là một thằng bé đi học về cứ đứng tần ngần hàng giờ để xem thợ làng rang nổ. Nhớ đến phát khóc cái mùi nếp tám thơm ngây ngây hương trấu, ám ảnh đến từng giấc ngủ sau này. Nhớ những năm đi học xa, khi nào sau tết mẹ cũng bới cho một bao bánh nổ để mang ra Huế. Giêng Hai, Huế mưa dầm rét buốt, lần giở túi bánh nổ mẹ cho mời bạn bè “Đây là bánh nổ quê tao”. Đứa nào dân Quảng Nam thì mời bạn bè bánh tổ, dân xứ Nghệ thì mời kẹo Cuđơ, còn dân “nẫu” thì chơi liền một khúc “Nẫu ca” đặc sản “Nhớ ngày nèo (nào) em bắt ốc mà anh hái reo (rau)..”. Tờ giấy báo làm chiếc mâm đặt dưới sàn xi măng lổn nhổn món ăn đặc sản miền Trung khiến cả bọn nhìn nhau bồi hồi. Nó là một phần của quê hương mà mẹ đã gói gắm cho” (Hoàng Bình Thi).
“Buổi tối học bài xong, bọn trẻ con xúm xít lại cùng nhau lượm nổ. Từng mảnh vỏ trấu còn vương lại đâu đó, các cặp “ mắt chim” sẽ phát hiện ra và loại khỏi sàng. Chúng tôi vừa thoăn thoắt gạt, nhặt vừa nhá những hạt nếp “nín” giòn thơm trong miệng như cắn hạt dưa mà nghe như Tết đang đến bên mình. Câu chuyện râm ran từ bộ quần áo đẹp, đôi dép mới đã được mua đến số tiền lì xì sẽ có, cũng như những dự định “to lớn” trong ba ngày tết…Đêm đêm tiếng vồ đóng bánh “bộp, bộp” vọng ra từ nhà này, nhà kia nối tiếp nhau làm náo nức tuổi thơ như khúc dạo đầu của bản nhạc xuân. Do vậy, Tết ở quê tôi không chỉ là ba ngày mà dường như Tết đã đến trong lòng người sớm hơn, kể từ khi các lò rang nổ bắt đầu nhóm lửa…” (Vũ Ngọc Thiên Chương).
Vậy đó, bánh nổ thực sự đã trở thành một phần của quê hương xứ Quảng và đã được nâng lên tầm “đặc sản”, bánh đã có mặt trên khắp các vùng miền của Tổ quốc. Có điều bây giờ bánh được làm ra từ những nhà lò chuyên nghiệp với đầy đủ các phương tiện sản xuất hiện đại, số lượng nhiều hơn và hầu như không còn cái cảnh mỗi nhà chắt chiu, dành dụm vài ang nếp để đến những ngày đầu tháng Chạp đem ra hong, phơi, mang đến lò rang rồi đem về để cùng xúm xít nhặt nhạnh những hạt trấu còn sót lại, cùng đóng bánh, cùng thưởng thức miếng “đầu đày” của bánh sau khi đã được cắt, gọt. Và cũng đã qua rồi cái thời đêm đêm cả làng thi nhau đóng bánh cho những tiếng chày râm ran, vang đều như những tràng pháo báo hiệu một mùa đông mưa dầm đã dứt để khởi đầu cho những chồi biếc, lộc non…
Ngày nay, cuộc sống tương đối no đủ, Tết đến, bánh nội, bánh ngoại tràn ngập thị trường, mẫu mã đẹp và chất lượng cao đã làm cho vai trò của chiếc bánh nổ có phần bị yếu thế. Tuy vậy, đối với người dân xứ Quảng, bánh nổ vẫn là một trong những loại bánh được dâng lên tổ tiên trong những ngày đầu xuân trịnh trọng nhất như một món quà quê không thể thiếu, hầu để ghi nhớ công ơn của các bậc tiền bối đã sản sinh ra nó, cũng giống như dân tộc ta vẫn luôn giữ chiếc bánh Dày, bánh Chưng để dâng lên ngày quốc Tổ.
Một mùa xuân nữa đang về, chắc còn nhiều người con xa xứ lại da diết nhớ quê hương, nhớ đến những con đường xa một thời mang bùn thay áo, nhớ đến bà mẹ nghèo đội nếp đến lò rang, nhớ những đêm chong đèn lượm nổ, nhớ những tiếng chày gõ nhịp vào đêm, nhớ tối ba mươi cả nhà ngồi hàn huyên kể về năm cũ, nhớ ngụm nước chè và miếng bánh nổ quê hương…  

      Trương Quang Dũng
(Trường PTTH Tư Nghĩa 1)

5 nhận xét:

  1. Tôi có một kỉ niệm khá thú vị về Bánh Nổ xứ mình. Hồi đó (gần 30 năm rồi...) về quê ăn Tết vào SaiGon, khỏang 2 giờ sáng gì đó, đi xích lô từ ga Hòa Hưng về KTX Thống Nhất, Anh Dân phòng chặn xe kiểm tra hành lý (hồi đó nó vậy!).
    - Cái gì đây? Anh DP la lớn lên
    - Thưa Bánh Nổ ạ! Tôi tự tin đáp
    - Mòi Anh về đồn Công an để giải quyết.
    Tôi ngớ người ra, và hiểu ngay rằng đã có sự ngộ nhận.
    - Dạ, không phải như Anh nghĩ đâu ạ! Là Bánh Nổ ở quê tôi đó, cái này ăn được mà...
    - Không thể như vậy được...
    - Thật mà Anh. Tôi lấy ra một cái Bánh Nổ hình vuônh vuông, trắng trắng (chợt thấy nó giống cái bánh thuốc nổ TNT thiệt!!!)cắn ăn ngon lành, rồi mời anh Dân phòng một cái, Bác Xích lô một cái...
    - Cám ơn Em nhé, sorry vì anh hiểu lầm... Bánh Nổ quê Em ngon thiệt đó!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Oh! May mà không bị "tich thu và tiêu hủy". Thời "ngăn sông, cấm chợ" nhắc đến thấy buồn!

      Xóa
    2. Không phải "ngăn sông cấm chợ" trong trường hợp này, mà vì "Bánh Nổ" của quê mình từ tên gọi cho đến hình thức nó y chang "Thuốc Nổ"!

      Xóa
    3. Thời "ngăn sông, cấm chợ" ai đi đâu với cái túi cũng bị kiểm tra, lục tung bất chấp ... nên mới thấy "Bánh Nổ" chứ. Hồi đó mỗi lần qua trạm Ba Ngòi là mình phát điên... trung bình mất 5h để xét. Xin lỗi nhiều khi đồ lót trong túi của chị em cũng bị lục tung.

      Xóa
  2. Kim Sính còn nhớ cả bánh in và bánh thuẫn nữa! thơm lắm kìa!!

    Trả lờiXóa