Chào mừng bạn đến với HS TƯ NGHĨA 79-82! Các bạn thân mến! Việc tạo ra một trang WebBlog có khó, nhưng việc duy trì và phát triển “nó” càng khó hơn nhiều lần. Để trang WebBlog của chúng ta tồn tại và phát triển, mỗi chúng ta cố gắng thường xuyên vào thăm “nó” hàng ngày. Chúng ta góp sức mình bằng bài viết, bài nhận xét … có thể ban đầu bài viết ấy không hay, bạn không hài lòng … Bạn viết càng nhiều thì sẽ quen dần và sẽ viết ngày càng hay hơn, ít lỗi hơn … Hãy sưu tập các hình ảnh thời HS, các dấu tích thời HS, các chuyện buồn vui thuở “ấy” … gởi cho BBT, mình hy vọng rằng “cầu nối” này sẽ giúp mọi người xích lại gần hơn.

Thứ Năm, 5 tháng 7, 2012

QUẢNG NGÃI – HOÀI NIỆM. Phần 1- Thiên ấn niêm hà

Quảng Ngãi - Cẩm Thành (thành gấm), tên gọi của Quảng Ngãi xưa đã lưu danh sử sách - một tỉnh duyên hải miền Trung với tổng diện tích tự nhiên là 5.131km2. Phía Bắc giáp Quảng Nam, Nam giáp Bình Định, Tây Nam giáp tỉnh KonTum. Phía Đông giáp biển Đông với chiều dài bờ biển 130km, có đường QL1A và đường sắt Bắc- Nam đi qua, nằm kề với sân bay Chu Lai... rất thuận lợi đón khách du lịch bằng đường thuỷ, đường bộ, đường sắt và kể cả đường hàng không. Và nơi đây hình thành khu kinh tế Dung Quất và nhà máy lọc dầu số 1. Với vị trí này Quảng Ngãi được chú trọng trong phát triển kinh tế xã hội của miền Trung- Tây Nguyên cũng như của đất nước.
Chiều Thiên Ấn
Quảng Ngãi có 1,3 triệu người, trong đó 1/10 số dân thuộc các dân tộc H’re, Cor, Cadong phân bố rộng khắp trên 1 thành phố và 13 huyện; người dân nơi đây cần cù, sáng tạo, giàu kinh nghiệm đã để lại những đặc trưng riêng có : bờ xe nước, nghề đúc, nghề gốm, nghề dệt thổ cẩm, nghề dệt chiếu… và còn là quê hương của nhiều danh nhân dân tộc mà tiêu biểu là Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Bình Tây Đại Nguyên Soái Trương Định…
Quảng Ngãi là sự hoà hợp của những dòng sông xen lẫn núi đồi, ghềnh thác cùng nhiều di tích, kiến trúc cổ: di chỉ văn hoá Sa Huỳnh, chùa Thiên Ấn, thành cổ Châu Sa, chứng tích Sơn Mỹ, địa đạo Đám Toái… và với nhiều danh lam thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp và hữu tình như : Thiên Ấn niêm hà, Cổ luỹ Cô thôn…. Quảng Ngãi còn được nhắc đến với các bãi biển sạch, đẹp có thể phát triển thành khu du lịch nghỉ dưỡng hấp dẫn như Mỹ Khê (Sơn Tịnh), Sa Huỳnh (Đức Phổ), Khe Hai- Dung Quất (Bình Sơn), Minh Tân, Đức Minh, Tân Định (Mộ Đức)...
                                                    
Đến nay Quảng Ngãi đã có 24 di tích được xếp hang di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia và hơn 100 di tích cấp tỉnh.

Một nét hấp dẫn khác của Quảng Ngãi là những món ăn không giống bất cứ ở vùng nào trên cả nước, đó là cá Bống sông Trà, chim mía, kẹo gương, mạch nha, đường phổi và món Don… tất cả rất đậm đà hương vị của một miền quê; những lễ hội cầu ngư, đua thuyền của ngư dân vùng biển, những phong tục độc đáo của dân tộc H’rê, Cor, Cadong  mang đậm sắc thái của Quảng Ngãi…

Một điều nữa, không thể không nhắc đến là TIẾNG QUẢNG, mà thôi - mọi người rành rồi không nói nữa!!!

Khoảng đầu năm Canh Ngọ (1750), Nguyễn Cư Trinh (1716 - 1767) được bổ nhiệm làm tuần vũ Quảng Ngãi. Trong thời gian nhậm sở, vị quan văn võ song toàn nầy đã làm thơ  vịnh mười cảnh đẹp thiên nhiên của Quảng Ngãi, đó là:
Thiên Ấn niêm hà (Ấn trời trên sông),
Long Đầu hý thủy (Đầu rồng giỡn nước),
Thiên Bút phê vân (Bút trời vẽ mây),
An Hải sa bàn (Mâm cát An Hải),
La Hà thạch trận (Trận đá La Hà),
Thạch Bích tà dương (Bóng tà Thạch Bích),
Hà Nhai vãn độ (Bến chiều Hà Nhai),
Cổ Lũy cô thôn (Cổ Lũy thôn côi),
Liên Trì dục nguyệt (Ao sen trăng tắm),
Vân Phong túc vũ (Mưa đêm núi Vân).

Tiếp sau Nguyễn Cư Trinh, tao nhân mặc khách và những người yêu thiên nhiên vịnh thêm hai cảnh đẹp nữa là:
Vu Sơn lộc trường (Bãi nai núi Vu)
Thạch Cơ điếu tẩu (Ông câu ghềnh đá)
Về sau gọi chung là QUẢNG NGÃI THẬP NHỊ CẢNH .

Đúng là hồi đó các vị tiền bối của chúng ta ngòai việc nước giỏi còn rất lãng mạn, dễ thương...
Mười hai cảnh đẹp trên có chỗ giờ không còn nữa, có nơi chỉ còn là phế tích, vật đổi sao dời...Có nơi đã mãi trở thành biểu tượng của quê mình.
Tôi cũng đã cất công đến đôi chỗ trong số trên, nhưng thật sự cảm thấy bâng khuâng, có khi là hụt hẫng...Nhưng cái đọng lại là lòng cảm phục Nguyễn Tiên Sinh và thêm yêu quê mình hơn, quê mình chưa giàu nhưng đẹp lắm lắm!!!
Anh Ung Văn Khánh - người Sơn Tịnh, mới gửi cho tôi bài thơ, mọi người cùng nghe nhé:

 NHỚ QUẢNG NGÃI   (Ung Văn Khánh)
Tháng ngày thầm lặng cứ đi qua
Xa xứ tha phương bỗng nhớ nhà
Nhớ nước Vệ giang bờ cát trắng
Nhớ mây Thiên Ấn bến sông Trà
Nhớ chiều Cổ Lũy qua An Hải
Nhớ sáng Trà Câu đến núi Cà (1)
Thiên Bút phê vân nhìn Phú Thọ
La Hà thạch trận ngắm Thu Xà
(1) là núi Cà Đam (K'Đam - Trà Bồng - tức ngọn Vân Phong). NMĐ

Sau đây xin mạn phép lần lượt lược trích một phần trong lọat bài  “Mười thắng cảnh Quảng Ngãi” của nhà báo Lê Hồng Khánh (đã công bố trên QNĐT). Nhân đây cũng đề nghị mọi người góp thêm tư liệu, hình ảnh...để chúng ta cùng hiểu và yêu Quảng ngãi hơn.
(Các hình ảnh minh họa trong bài là của cá nhân chụp hoặc sưu tầm lung tung, xin thông cảm!)

1. Thiên Ấn niêm hà
(Đầu năm 1990, Bộ Văn hóa đã xếp hạng núi Thiên Ấn và mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng là Di tích quốc gia.)
Thiên Ấn là ngọn núi nằm ở tả ngạn sông Trà Khúc, về phía hạ lưu, cách thành phố Quảng Ngãi chừng 3 cây số về hướng Đông Bắc, thuộc địa phận thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh. Núi Thiên Ấn và sông Trà Khúc hợp thành cặp biểu tượng sơn thuỷ thiêng liêng trong tâm thức người Quảng Ngãi.
Núi cao 106 mét, trông từ 4 phía đều tựa hình thang cân. Vào mùa nước đầy, nhìn từ phía bờ bắc, dòng nước sông Trà Khúc chảy theo hướng tây nam - đông bắc, như dồn vào chân núi; rồi lại từ chân núi, theo hướng tây bắc - đông nam, đổ về cửa Đại. Giữa một thiên nhiên thoáng đãng, ngọn núi như chiếc ấn của trời cao niêm xuống dòng sông xanh, nên người xưa gọi là Thiên Ấn niêm hà. Năm Tự Đức thứ 3 (1850), núi được liệt vào hàng danh sơn và ghi vào điển tịch.
 
Chiều Thiên Ấn
Đỉnh núi Thiên Ấn bằng phẳng, tạo thế nhìn phóng khoáng, bao quát một vùng không gian rộng lớn với những ruộng đồng, đồi núi, làng mạc, sông nước, hợp thành một bức tranh phong cảnh hữu tình. Ẩn hiện dưới bóng cây cổ thụ là ngôi chùa cổ Thiên Ấn.

Chùa Thiên Ấn khởi công xây dựng vào năm 1694, hoàn thành cuối năm 1695 (niên hiệu Chính Hòa thứ 15), đời chúa Nguyễn Phúc Chu ở Đàng Trong. Tổ khai sơn ngôi chùa là Thiền sư Pháp Hóa (1670-1754), tục danh Lê Diệt, hiệu Minh Hải Phật Bảo, gốc người tỉnh Phúc Kiến (Trung Hoa) thuộc dòng thiền Lâm Tế. Lúc đầu chùa chỉ là một thảo am, sau đó dần dần trùng tu, mở rộng, thu hút được nhiều tăng ni phật tử và trở nên nổi tiếng.

Năm Vĩnh Thịnh thứ 11 (1716, đời vua Lê Dụ Tông), chúa Nguyễn Phúc Chu, một người rất sùng mộ đạo Phật, đã ban cho nhà chùa biển ngạch SẮC TỨ THIÊN ẤN TỰ.
Chùa Thiên Ấn có “giếng Phật” sâu 21 mét, nước mát trong, đào từ lúc khai sơn, và “chuông thần” do các nghệ nhân làng đúc đồng Chú Tượng (Mộ Đức) tạo tác vào năm 1845. Câu chuyện về nhà sư đào giếng Phật và lễ khai đỉnh chuông Thần đã lưu truyền rộng rãi trong dân gian, được ghi lại trong nhiều thư tịch cổ.
Khu viên mộ nằm tiếp giáp phía đông Thiên Ấn tự, với những ngôi tháp được xây dựng nhiều tầng theo số lẻ (5, 7, 9) và tượng hình hoa sen. Bên trong tháp là nơi lưu giữ di hài các thiền sư, phía ngoài là bia ghi công đức, gắn liền với thân tháp.

Trong số các vị thiền sư an nhập bảo thân tại khu viên mộ có 6 người được vinh tôn là tổ sư (Pháp Hóa, Khánh Vân, Bảo Ân, Giác Tính, Hoằng Phúc, Diệu Quang) có công lớn trong việc mở rộng ngôi chùa cũng như mang giáo lý từ bi, hỷ xả của Đức Phật đến với đông đảo tín đồ trong tỉnh.

Các tác phẩm về lịch sử Phật giáo Việt Nam, khi đề cập đến sự phát triển của dòng thiền Lâm Tế ở Đàng Trong từ thế kỷ XVII về sau, đều đánh giá các tổ sư Thiên Ấn tự là những bậc chân tu, nổi tiếng về đức độ, uyên thâm về Phật học.
Cách ngôi chùa không xa, về phía tây nam, trên một vùng đất thoáng đãng là mộ chí nhà yêu nước Huỳnh Thúc Kháng (1876- 1947). Cụ Huỳnh hiệu Mính Viên, người huyện Tiên Phước (Quảng Nam), là một trong 3 nhân vật khởi xướng phong trào Duy Tân đầu thế kỷ XX. Cụ cũng là người sáng lập và chủ bút báo Tiếng dân, tác giả Thi tù tùng thoại và nhiều văn phẩm có giá trị.
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, nhận lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Huỳnh đảm nhận nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ Chính phủ liên hiệp kháng chiến. Trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm nước Cộng hoà Pháp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng giữ nhiệm vụ quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Là người Quảng Nam nhưng cụ có nhiều gắn bó với Quảng Ngãi. Đặc biệt, trong những năm cuối đời, vào thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, cụ đã sống, làm việc tại Nghĩa Hành và tạ thế ngày 21 tháng 4 năm 1947.

Mộ cụ Huỳnh kết hợp hài hòa kiến trúc hiện đại và truyền thống lăng mộ Đông phương, gắn bó hữu cơ với tổng thể cảnh quan Thiên Ấn.

Mộ Cụ Hùynh
Ngôi nhà ở Nghĩa Hành - Nơi Cụ Hùynh sống những ngày cuối đời

Chùa Thiên Ấn từng là nơi hội ngộ, đàm đạo, xướng hoạ thơ ca của nhiều thế hệ thi sĩ, từ Nguyễn Cư Trinh, Nguyễn Thông, Phạm Trinh, Lê Kỉnh đến Bích Khê, Nguyễn Viết Lãm... cùng các thiền sư Hoa, Việt nổi tiếng cả về đạo hạnh lẫn thơ văn.

Vào những dịp lễ lớn, khách thập phương đến viếng Thiên Ấn lên đến hàng vạn người, trong đó có không ít người từ phương xa trở về. Họ có thể là tín đồ Phật giáo về đây lễ Phật và cầu nguyện, cũng có thể là người không theo đạo nhưng yêu mến cảnh chùa, muốn được dịp chiêm ngưỡng thắng cảnh hàng đầu của Quảng Ngãi, dành một khoảng thời gian để lòng mình tĩnh lặng, thanh tẩy tâm hồn, suy ngẫm nhiều điều về cuộc đời và lẽ đạo.
Năm 1990 núi Thiên Ấn - mộ cụ Huỳnh được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích quốc gia. Nhưng trước đó, từ lâu lắm, Thiên Ấn đã là dấu chứng quê hương trong lòng người Quảng Ngãi:

                                                         Bao giờ Thiên Ấn hết tranh
                                                         Sông Trà hết nước, anh đành xa em...


(Còn tiếp)

9 nhận xét:

  1. Bà Con đọc xong cho ý kiến đi... để NMĐ tiếp tục.

    Trả lờiXóa
  2. Thanh that biet on NMD
    Vi da trich nhieu thoi gian de dem lai cho moi nguoi nhung dieu ve Quangngai
    Cung la nguoi QN nhung thanh that la trong bai ay co vai dia danh minh chua biet do la o dau
    Chac phai lam phien NMD Hoac Ban nao giup dum minh
    nhu : Ha nhai, Nui VAn

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lần lượt sẽ có câu trả lời tỉ mỉ mà... Nóng thế!

      Xóa
  3. bao giờ Ngô Minh Đức đăng hết 12 thắng cảnh của Quãng Ngãi thì Kim Sính mới có ý kiến.:) bây giờ chắc hơi sớm:)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Comment rôm rả vào từng bài một chứ, để lâu mất hứng, với lại cho ý kiến để rút kinh nghiệm cho những bài sau. KS khỏe luôn chứ? Có khi nào lên Đà lạt một chuyến ko ta? Lên hú nhé! phone NMĐ 0963216217

      Xóa
  4. Co phai Kim Sinh tra loi cau hoi cua minh do ko
    Hay la Y kien ve bai dang cua NMD
    Cam On Kim Sinh

    Trả lờiXóa
  5. NMD Nhac toi may mon dac san QN lam minh thay "THEM " qua
    Thuc An cua QN thi khong the nao quen duoc du bao lau chua an lai
    nhac den lam nhung nguoi dang o xa thay nho QN
    Lai cam on NMD lan nua

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ẩm thực QN mình còn độc đáo, mộc mạc, chân chất cả ở tên gọi nữa LBC thấy ko. Cậu đi nhiều rồi thấy ở đâu biển hiệu quán ăn lại ghi cụt ngũn-ko thể cụt hơn như vầy: "DON" , "CHÈ", "RAM"... đúng là độc đáo!!!

      Xóa
  6. Noi Toi tieng "QUANG" trong bai viet cua NMD lam minh cu cuoi mot minh hoai Vi nho lai cau chuyen hom ngoi nha Che thi Minh Nguyet o Dalat Chac mot so ban hom do ko sao quen duoc

    "LA NGUOI QUANG ( ngoai tru cac co Dau hom Do ) NHUNG NEU AI NOI SAI GIONG QUANG LA BI PHOT 1 lY "
    Cuoi thieu dieu thuc an nhay nhot lung tung
    Chac nho Duc viet lai bai viet ay bang day du Font tieng Viet de moi nguoi Cuoi tro lai mot lan nua
    Con neu Ai chua biet thi cung se cuoi thoai thich

    Trả lờiXóa