Chào mừng bạn đến với HS TƯ NGHĨA 79-82! Các bạn thân mến! Việc tạo ra một trang WebBlog có khó, nhưng việc duy trì và phát triển “nó” càng khó hơn nhiều lần. Để trang WebBlog của chúng ta tồn tại và phát triển, mỗi chúng ta cố gắng thường xuyên vào thăm “nó” hàng ngày. Chúng ta góp sức mình bằng bài viết, bài nhận xét … có thể ban đầu bài viết ấy không hay, bạn không hài lòng … Bạn viết càng nhiều thì sẽ quen dần và sẽ viết ngày càng hay hơn, ít lỗi hơn … Hãy sưu tập các hình ảnh thời HS, các dấu tích thời HS, các chuyện buồn vui thuở “ấy” … gởi cho BBT, mình hy vọng rằng “cầu nối” này sẽ giúp mọi người xích lại gần hơn.

Thứ Năm, 10 tháng 11, 2011

Sa mạc Trà Khúc

            Chapeau: Gần mười lăm năm nay, sông Trà Khúc đã biến thành sa mạc. “Trà giang thu nguyệt” nổi tiếng trong thơ thi kiếm Cao Bá Quát nay là dòng sông chết. Phong vị của một vùng đất qua con don, con cá bống và hình ảnh đầy mỹ cảm của bờ xe nước sông Trà cũng chết đi để lại một khoảng trống không có gì bù đắp nổi. Năm 2010 chính quyền tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt dự án trên 225 tỷ đồng xây dựng đập dâng ở hạ lưu còn có mục đích cứu vãn cảnh quan sông Trà nhưng điều đó cũng không còn khả thi nữa…

KỲ I:
Ông trùm xe nước cuối cùng
Thôn Trường Xuân xã Tịnh Hà nằm mé trên cầu Trà Khúc. Trong quá khứ, hình ảnh thơ mộng nhất của bờ xe nước sông Trà được ghi nhận ở đây. Bây giờ, phố mới ở bờ Bắc đã tới Trường Xuân. Nơi những bánh xe quay đều ngày xưa chỉ là một vệt lau lách hiu quạnh. Khi một thứ bình thường trong đời sống một ngày không còn nữa, người ta mới chợt nhận ra sự mất mát. Nếu ai hỏi có gì bù đắp sự mất đi của bờ xe nước, người Quảng Ngãi sẽ nói không! Nó đã là quá khứ.
Đẳng cấp ông trùm
Khi chúng tôi tìm ra nhà ông trùm Ân đã thấy đám ma ông trọn Thiết diễn ra trước ngõ. Buổi chiều buồn trong tiếng thanh la, xập xõa não nề. Ông trùm xe nước cuối cùng ở Trường Xuân bây giờ không còn đủ sức bước chục bước chân ra ngõ tiễn biệt đồng nghiệp của mình về đất. Ngồi trong hiên nhà, tì cây gậy trúc, đôi mắt mờ nhìn xa xăm, trùm Ân dỏng tai lên nghe tiếng khóc than thương tiếc. “Tôi từ cấp rẽ, lên tới cấp trọn, rồi đến cấp trùm phải mất 60 năm. Những người như trọn Thiết phải có kinh nghiệm làm rẽ trên 20 năm” – trùm Ân hồi tưởng. Trọn Thiết là một trong những người làm bờ xe để đưa nước về cánh đồng Hòa Khê của Sơn Tịnh. Năm 1980 dân Quảng Ngãi được đưa đi làm kinh tế mới trên Tây Nguyên, chính quyền cho vời ông trọn Thiết theo. Trên cánh đồng buôn Triết, lần đầu tiên những người dân Ê đê nhìn thấy bờ xe nước sông Trà bên dòng Krông Ana hùng vĩ. Lúc bờ xe nước hết thời, ông trọn Thiết trở về quê, vào chùa đi tu và qua đời ở tuổi 82.
Bờ xe nước sông Trà, công trình dẫn thủy nhập điền có một không hai của nền văn minh nông nghiệp là sáng tạo của những người nông dân Quảng Ngãi. Dưới triều Nguyễn, khi Phạm Phú Thứ đi sứ Ai Cập, ông đã vẽ lại thiết kế kỹ thuật của guồng quay nước sông Nile mang về thí điểm ở Quảng Nam tại Gò Nổi. Đó chỉ là một bánh xe đơn giống cọn nước phía Bắc có nguồn gốc từ Trung Hoa. Không biết ai, khi nào đã sáng chế nên bờ xe nước nhưng chắn đó là những người nông dân bên sông Trà Khúc. Một bờ xe gồm từ 7, 8, 9 và10 guồng quay đơn ghép lại bằng kỹ thuật độc đáo được thi công dưới sự hướng dẫn của 1 ông trùm, 2 ông trọn và 4 ông rẽ (thợ), kỹ thuật phức tạp hơn nhiều guồng quay sông Nile. Trong vai trò “tổng công trình sư”, ông trùm xe nước có quyền hành tuyệt đối, ý kiến của ông trùm là mệnh lệnh. Toàn bộ thời gian thi công 3 tháng, từ ông trùm trở xuống phải dựng lều ở lại bên bờ sông. Dù đã gần 90 tuổi rồi nhưng ông trùm Ân vẫn còn nhớ như in những ngày đẹp đẽ. Hàng năm, 20 – 2 âm lịch cho xe xuống nước, mùng 10 – 8 dọn lên, ngày rằm, mùng một thắp nhang đều đặn…
Tuyệt tác đã mất
Những người thợ xe nước tài hoa bên sông Trà đạt tới đẳng cấp cao nhất giờ chỉ còn trùm Ân. Cấp trọn ở Trường Xuân cũng còn lại duy nhất ông Hai Bường. Hai đời làm ông trùm xe nước, đến đời ông Hai Bường xe nước hết thời khi ông mới đạt tới bậc trọn. Trọn Bường nhờ khéo tay, đã chuyển ngay sang làm thợ sửa đồ điện tử. Trong căn nhà gần mé sông, ông trọn bây giờ lúi húi sửa những chiếc quạt gió cho khách. Nghề cũ đã bỏ lâu nhưng ký ức bờ xe trong ông vẫn còn rõ từng chi tiết. Tuổi thiếu niên, trọn Bường đã được ông nội dẫn đi ngược nguồn Trà Khúc mua tre về đóng xe quay nước. Đích thân ông trùm chọn tre tốt, ở gần bờ sông kết bè thả về xuôi. Mỗi bờ xe trung bình 2.500 cây tre, mỗi bánh xe 2 trục, mỗi bên 10 lỗ, mỗi lỗ 3 cây tre, mỗi bánh xe có 30 ống huê lấy nước… Người thợ chỉ có một cái rựa và một cái đục để chế tạo ra một tuyệt tác bằng tre. Việc lắp ghép cũng chỉ dùng lạt tre. Cây tre chọn làm lạt buộc dài đủ 12 mét, mỗi cây chẻ được 6 sợi. Sau 3 tháng ráp xong bờ xe, ông trùm thở phào nhẹ nhõm.
Năm 1960 trên dòng sông Trà có 110 bờ xe quay nước. Mỗi xe trung bình tưới cho 20 hec ta. Những buổi chiều xuân đi dọc sông Trà nghe tiếng nước reo như tiếng đàn trong gió. Chỉ là một công trình dẫn thủy nhập điền thiết thực, bỗng nhiên bờ xe quay nước đi vào lòng người với rất nhiều mỹ cảm. Tuyệt tác nhà nông ở bên sông Trà, nhất đán trở thành biểu tượng quê hương. Và cũng bỗng nhiên, một ngày bờ xe quay nước biến mất. Nhiều người quả quyết, năm 1989 khi thủy lợi Thạch Nham hoàn thành, bờ xe chấm dứt nhiệm vụ lịch sử. Có người lại nói đến tận năm 1995 bờ xe mới bị khai tử bởi máy bơm nước Kohler… Không ai nhớ chính xác thời điểm bờ xe biến mất. Những hình ảnh thơ mộng cuối cùng của dòng sông Trà chỉ còn lại trong kho tư liệu của nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Trinh. Khi tôi viết những dòng này, nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Trinh đã qua đời cách đây mấy tháng vì bạo bệnh. Những ông trùm, ông trọn cuối cùng tôi may mắn gặp được ngấp nghé ở cõi người hiền. Bờ xe quay nước sông Trà và khúc nhạc đồng quê đã thành quá khứ… 
(Nguồn: Blog Hổ Phụ Tử)

1 nhận xét:

  1. Các công trình thủy lợi + thủy điện đang giết các con sông miền Trung. Khi thiết kế và thi công các công trình thủy lợi + thủy điện người ta chỉ biết xem là: lượng nước được bao nhiêu? Sản lượng điện là bao nhiêu MW? ... mà không hề tính đến ảnh hưởng đến sinh thái + môi trường + cảnh quan ... việc thiên tai, dịch họa ... do phần lớn con người tạo ra>

    Trả lờiXóa